BẠC - DŨNG SỸ DIỆT MẦM BỆNH TOÀN DIỆN
Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, trong nền y học dân gian Đông Tây. Bạc từ lâu rồi đã là một loại dược liệu kỳ lạ đến bí ẩn, và giờ đây bạc vẫn là đối tượng tranh cãi giữa ủng hộ và bài bác.
Bạc đã được con người phát hiện ra từ thời nguyên thủy xa xưa. Bạc cũng tồn tại ở dạng khối trong thiên nhiên. Bề ngoài bạc sáng trắng, lấp lánh huyền ảo như ánh trăng.
Xưa nay, trong nhân dân ta, bạc được coi là có tác dụng phòng và chữa bệnh. Có lẽ chẳng ai không biết cách “cạo gió”, dùng đồng tiền bằng bạc (hoặc bất cứ vật gì bằng bạc) để chữa cảm cúm, đau đầu, mệt mỏi. Trẻ em thường được đeo vòng bạc ở cổ tay, cổ chân hoặc dây chuyền, hoa tai để phòng bệnh, thường gọi là để “kỵ gió”. Nhiều nơi ở nước ta có tục lệ đào giếng lấy nước, trước khi sử dụng, thường ném xuống giếng một đồng bạc nho nhỏ để cúng Thần giếng, phải chăng cũng từ ý nghĩa khử độc cho nước sẽ sử dụng sau này. Người ta còn kể, xưa kia vua chúa thường dùng đũa bằng bạc để đề phòng ngộ độc và thử độc.
Trong các sách đạo Phật Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm có đoạn viết: “Người ta khử độc nước uống bằng cách nhúng vào đó một thỏi bạc nung đỏ”.
Trong y học cổ phương Đông, việc dùng bạc chữa bệnh có từ rất sớm. Trong cuốn “Chí chân yếu đại luận” nói: “Bạc chi kiếp chi” là bạc bức bách bệnh tà phải ra ngoài. Phần lớn các viên thuốc hoàn đều có lớp áo bằng vết bạc để bảo quản thuốc từ năm này qua năm khác vẫn bảo đảm chất lượng.
Ở phương Tây, việc sử dụng bạc với tư cách một chất sát trùng đã có quá trình lịch sử hàng nghìn năm, được ghi nhận trong lịch sử y học của họ. Sử gia Hy Lạp Herodotus ghi chép: vua Ba Tư là Syrus uống nước bất cứ con sông nào trên đất nước mình nếu được đựng trong bình bằng bạc, và mỗi khi ông đi đâu, bao giờ cũng có một xe đi kèm chứa nước sông đựng trong những bình bạc ấy.
Sử còn ghi: Năm 327 trước Công nguyên, quân Hy Lạp dưới sự chỉ huy của Alexandre xứ Macedona tràn đến biên giới Ấn Độ, tưởng như không có sức mạnh nào có thể chặn đứng nổi. Đột nhiên quân lính Hy Lạp phát bệnh tiêu chảy nặng, chỉ trong mấy ngày, đội quân lính bách chiến ấy suy sụp hoàn toàn, buộc quân Hy Lạp phải rút về. Một điều kì lạ là, hàng ngũ sĩ quan của họ bị bệnh rất nhẹ, mặc dù họ cùng ăn và chia sẻ với binh sĩ những nỗi vất vả, khổ cực trong suốt năm tháng chinh chiến.
Suốt mấy chục thế kỉ trôi qua mà các nhà khoa học vẫn cố công tìm nguyên nhân của điều kỳ lạ này và phát hiện ra nguyên nhân nằm ở chỗ, quân lính Hy Lạp đã uống nước trong những chiếc cốc bằng thiếc, còn các sĩ quan thì uống nước trong các bình bằng bạc. Và từ đó, các “lương y” phương Tây cho rằng, bạc có tính sát trùng rất cao. Khi hòa tan trong nước, nó giết những vi trùng gây bệnh. Các nhà khoa học sau này cho biết, để khử trùng một lít nước, chỉ cần vài phần tỉ gam bạc.
Chính Hyppocrate, người được coi là cha đẻ của y học phương Tây, đã dùng bạc để chữa bệnh và khuyên nên dùng bạc như chất sát trùng, ông đã viết rằng bạc có tính chất ngăn ngừa và chống lại một số loại bệnh, và người Phoenician cổ xưa đã biết dùng những bình bạc để chứa nước, rượu và dấm nhằm bảo quản chúng lâu hỏng.
Vào thế kỷ 14, một đợt dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của 1/4 châu Âu, những người giàu có đổ xô đi mua bát đĩa bạc dùng trong việc ăn uống và việc làm đó tỏ ra rất có tác dụng trong đợt dịch hạch lớn này. Thậm chí ở châu Âu, tác dụng của bạc đến sức khoẻ đã đi vào thành ngữ. Người Anh gọi một đứa trẻ khoẻ mạnh, béo tốt là “He was born with a silver spoon in his mouth” (Thằng bé được sinh ra với chiếc thìa bạc trong miệng) và có tục lệ đến mừng các gia đình sinh con bằng chiếc thìa bạc để cháu nhỏ ăn bột. Cho tới nay, ở nông thôn, người ta vẫn có niềm tin (và có lẽ qua trải nghiệm thực tế) rằng bạc giúp bảo quản thực phẩm khỏi sự nhiễm khuẩn. Một gia đình nông dân ở Slovakia có một chiếc xô tráng bạc để vắt sữa bò dùng trong nhà và họ bảo trước khi sắm được tủ lạnh, gần như gia đình nào cũng có. Nước đựng trong lọ bằng bạc được dùng để nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh.
Đầu thế kỷ 20, trên cơ sở kinh nghiệm dân gian, người ta làm ra bạc keo và cho rằng dưới dạng này, bạc phát huy hiệu quả nhiều hơn cả, tuy nhiên giá thành vẫn rất cao. Không như trước đây quan niệm bạc là thứ chữa bách bệnh (“all-cure” remedy) mà chỉ coi là một chất kháng sinh hiệu quả. Hãy nhớ rằng, bạc hoà tan bằng điện phân được dùng để sát trùng cho nước uống dùng trên Trạm vũ trụ MIR và Trạm không gian quốc tế ISS. Nồng độ bạc trong nước uống của các nhà du hành vũ trụ là 0,5mg/l tương đương 0,5ppm (trích dẫn theo Wikipedia: Spacespace water exposure guidelines for selected contaminants, Vol.11). Vai trò của bạc chỉ ngừng lại khi ngành hoá học hữu cơ và vi sinh có những tiến bộ vượt bậc, tổng hợp được penixilin và sulfanilamid rẻ hơn rất nhiều và hiệu quả được kiểm tra bằng các phương pháp khoa học hiện đại.
Từ đó, bạc trở thành một chất được dùng trong “y học cổ truyền”, “y học dân gian”, “y học thay thế” và nó mang những đặc điểm chung của phân ngành này, đơn thuần là tính kinh nghiệm mà không có điều kiện chứng minh dựa trên cơ sở khoa học và các thiết bị chính xác. Vào những năm 1990, bạc keo vẫn được bán và sử dụng hợp pháp, song các nhà kinh doanh đưa ra những quảng cáo quá mức của nó, ví dụ nói nó có thể chữa được những bệnh nan y như tiểu đường, ung thư, HIV/AIDS... Những nghiên cứu về bạc chỉ được thực hiện lẻ tẻ, mang tính cá nhân và không có hệ thống, không được đầu tư, nhất là ở những nước khoa học rất hiện đại, nhằm vào những phát hiện mới.
Thuốc kháng sinh có thể được dùng để tiêu diệt các mầm bệnh nhưng mỗi loại thuốc kháng sinh chỉ diệt được vài loại nấm, vi khuẩn hay vi rút. Vi khuẩn và vi rút đang ngày càng trở nên kháng lại các điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nhưng các ion bạc tiêu diệt tất cả các bệnh nhiễm nấm, vi khuẩn và vi rút, kể cả các chủng kháng kháng sinh. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, vi khuẩn không thể phát triển bất kỳ khả năng miễn dịch nào đối với bạc. Bạc xuất hiện một cách tự nhiên, không độc, không dị ứng, không tích tụ và vô hại đối với cả động vật hoang dã và môi trường.
Tại Mỹ, trong khi nghiên cứu về tái sinh các chi, dây chằng cột sống vào cuối những năm 1970, bác sĩ Robert O. Becker phát hiện ion bạc thúc đẩy việc phát triển xương và diệt trùng xung quanh vết thương. Tháng 3/1978, trên tờ Tạp chí Y học chính thống có bài “Người chiến sĩ mạnh nhất của chúng ta” đã viết: “Nhờ những nghiên cứu bằng mắt thường, bạc nổi lên như một điều kỳ lạ của y học hiện đại. Một chất kháng sinh tổng hợp hiện nay có thể tiêu diệt nửa tá sinh vật gây bệnh, thì bạc diệt được khoảng 650 loại. Những dòng virut bướng bỉnh nếu không bị tiêu diệt thì cũng không phát triển được. Hơn nữa, bạc không độc”. Bài báo kết thúc bằng lời bác sĩ Harry Margraf, nhà sinh hoá học và nhà nghiên cứu tiên phong về bạc, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu, Trường ĐH Washington những năm 1970, “Bạc là một dũng sĩ diệt mầm bệnh toàn diện mà chúng ta có”.
Khoảng hai chục năm gần đây, khi công nghệ nano ra đời, bạc với tư cách một chất kháng khuẩn hiệu quả xuất hiện trên thị trường dưới dạng một sản phẩm thời thượng và dường như không ai phản đối. Đó là bạc nano (nano-silver hoặc silver-nano).